Tin tức sự kiện
Theo nội dung Thỏa thuận hợp tác toàn diện được ký kết, các bên cam kết hợp tác toàn diện, lâu dài và cùng có lợi trên nhiều lĩnh vực hoạt động. Vietcombank và EVN sẽ ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của nhau, đặc biệt trọng tâm đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực: tài trợ vốn cho EVN và các Đơn vị thành viên, cung cấp các dịch vụ thanh toán và quản lý dòng tiền, thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại, các sản phẩm dịch vụ ưu đãi cho cán bộ nhân viên của EVN. Ngoài ra, Vietcombank cam kết tài trợ vốn và các sản phẩm dịch vụ cho các nhà thầu của EVN. Trên cơ sở các điều khoản của thỏa thuận, Vietcombank cùng EVN và các đơn vị thành viên sẽ cụ thể hóa các nội dung, sản phẩm dịch vụ hợp tác, tổ chức thực hiện để đạt được các mục tiêu đề ra. Lễ ký thỏa thuận hợp tác toàn diện và Hợp đồng tín dụng Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai bên, mở ra một giai đoạn hợp tác mới nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng của mỗi bên, nâng tầm hiệu quả trong hoạt động, đóng góp cho sự phát triển bền vững của kinh tế xã hội đất nước…
Về dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, đây là công trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 về điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quy hoạch VII điều chỉnh); Văn bản số 1828/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/10/2016 về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao làm chủ đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I tại Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Dự án được EVN giao cho Ban Quản lý dự án Điện 2 làm đại diện chủ đầu tư cùng với các dự án tại Trung tâm Điện lực Quảng Trạch với tổng diện tích khoảng 48,6 hecta tại thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Dự án bao gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW, khi đi vào vận hành nhà máy sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia sản lượng điện mỗi năm khoảng 8,4 tỷ kWh, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nâng cao độ an toàn và ổn định cho hệ thống điện. Gói thầu số 15 (EPC-QTI) - Thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp công trình Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I sẽ được thực hiện bởi Tổng thầu Liên danh gồm 03 nhà thầu Mitsubishi Corporation (Nhà thầu Nhật Bản), Hyundai E&C (Nhà thầu Hàn Quốc) và Tổng công ty Xây dựng số 1 (Nhà thầu Việt Nam). Đây đều là các nhà thầu lớn, uy tín, có năng lực và kinh nghiệm trong nhiều dự án nhiệt điện lớn. Dự án sử dụng công nghệ USC (trên siêu tới hạn) với thông số nhà máy cao nhất tại Việt Nam hiện nay.
Tổng mức đầu tư của dự án là 41.130 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn của EVN (30%) và vốn vay thương mại trong nước (70%) do Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tài trợ. Vietcombank là tổ chức tín dụng đầu tiên đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo Quyết định 13/2018/QĐ-TTg và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cấp tín dụng đối với EVN để thực hiện tài trợ Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I với khoản tín dụng có giá trị 27.100 tỷ đồng, sẽ được giải ngân trong khoảng thời gian 04 năm theo tiến độ Dự án và có thời hạn vay vốn là 15 năm.
Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 được đánh giá sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hàng năm cho tỉnh Quảng Bình và khu vực Bắc Trung Bộ, qua đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng 1.200 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm ổn định, lâu dài cho lao động địa phương, đặc biệt là lao động có trình độ cao. Về công tác bảo vệ môi trường, nhà máy sẽ được trang bị đồng bộ các hệ thống xử lý nước thải, khí thải và lọc bụi do vậy hàm lượng phát thải khí sau khi được xử lý tuân thủ hoàn toàn các quy chuẩn về môi trường Việt Nam hiện hành và tương đương với các tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (World Bank) áp dụng. Các thông số về môi trường nhà máy khi vận hành được truyền về Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Bình để giám sát trực tuyến và hiển thị công khai tại khu vực cổng nhà máy 24/24h theo đúng quy định của Nhà nước về quản lý môi trường.
Trong nhiều năm qua, Ngân hàng Vietcombank đã đcung ứng vốn tín dụng cho nhiều Dự án năng lượng trọng điểm Quốc gia như: Nhà máy Thủy điện Sơn La, Nhà máy Thủy điện Lai Châu, Thuỷ điện Ialy, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng … Nhận thức được tầm quan trọng của điện năng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, Vietcombank đã và sẽ tiếp tục tài trợ cho nhiều Dự án lớn khác, đặc biệt ưu tiên đối với lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Giá trị cấp tín dụng cho các dự án trong lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng tái tạo đã tăng mạnh tỷ trọng trong danh mục của Vietcombank trong thời gian vừa qua, tốc độ tăng trưởng năm 2020 so với 2019 là khoảng 160% và sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới với tốc độ tăng trưởng dự kiến năm 2021 so với năm 2020 ở mức khoảng 244%./.